Tôi nghe như vầy. Một thời, Phật ở núi Kỳ-xà-quật thành La-duyệt-kỳ cùng chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người. Bấy giờ có nhạc thần là
KINH TRƯỜNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Đà
Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ
PHẦN
I
3. KINH ĐIỂN TÔN
Tôi nghe như vầy.
Một thời, Phật ở núi Kỳ-xà-quật thành La-duyệt-kỳ cùng
chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người. Bấy giờ có nhạc
thần là Ban-giá-dực, trong lúc đêm thanh vắng không người, phóng
ánh sáng rọi sáng núi Kỳ-xà-quật, đi đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh
lễ chân Phật rồi đứng sang một bên, bạch Đức Thế Tôn rằng:
“Đêm qua Phạm thiên vương đến cõi
trời Đao-lợi bàn nghị với Đế Thích. Con ở đó chính mình được nghe,
nay có thể thuật lại Đức Thế Tôn nghe chăng?”
Phật đáp:
“Ngươi muốn nói thì
nói.”
Ban-giá-dực nói:
“Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân biết chư
Thiên có điều vui mừng, bèn vì chư Thiên Đao-lợi mà làm bài
tụng rằng:
“Mong chúng chư Thiên gia tăng, chúng
A-tu-la giảm thiểu.”
Thích Đề-hoàn Nhân thấy chư
Thiên Đao-lợi vui mừng hớn hở, bèn bảo họ rằng:
“Chư Hiền có muốn nghe Tám pháp vô
đẳng về Như Lai không?”
Chư Thiên đáp:
“Chúng tôi muốn
nghe.”
Đế Thích nói:
“Hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ. Này chư
Hiền, Đức Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu. Ta
không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại có đủ
mười đức hiệu Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác như Phật.
“Pháp Phật vi diệu, được khéo giảng thuyết,
được người trí thật hành. Ta không thấy có ai trong quá
khứ, vị lai, hiện tại có giáo pháp vi diệu như
Phật.
“Phật do pháp ấy mà tự giác ngộ, thông
đạt vô ngại, trú trong an lạc. Ta không thấy có ai trong quá
khứ, vị lai, hiện tại có thể ở nơi pháp ấy mà tự
giác ngộ, thông đạt vô ngại, tự tại an vui như Phật.
“Chư Hiền! Phật do pháp ấy mà tự giác ngộ
rồi còn có thể khai thị con đường dẫn đến Niết-bàn, thân
cận, dần dần đến chỗ nhập vào nơi tịch diệt. Ví
như nước sông Hằng và nước sông Diệm-ma, cả hai dòng sông đều chảy
vào biển cả. Phật cũng vậy. Có thể khai thị con đường dẫn đến
Niết-bàn, thân cận, dần dần đến chỗ nhập vào nơi tịch diệt. Ta
không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại có thể
khai thị con đường dẫn đến Niết-bàn được như Phật.
“Chư Hiền! Như Lai thành tựu quyến
thuộc, gồm những người có trí tuệ, Sát-lỵ, Bà-la-môn, Cư sĩ, Sa-môn.
Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại có
được quyến thuộc như Phật.
“Chư Hiền! Như Lai thành tựu đại chúng.
Đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Ta không thấy ai trong quá
khứ, vị lai, hiện tại thành tựu đại chúng như Phật.
“Chư Hiền! Ngôn và hành của Như Lai tương
ưng. Nói đúng như làm, làm đúng như nói, thành tựu pháp
và tùy pháp. Ta không thấy có ai trong quá khứ, vị
lai, hiện tại mà ngôn hành tương ưng, pháp pháp thành
tựu như Phật.
“Chư Hiền! Như Lai vì lợi ích mọi
người, vì an lạc mọi người; với lòng từ mẫn, Ngài
làm lợi ích cho chư Thiên và nhân loại. Ta không thấy
có ai trong quá khứ, vị lai, hiện tại vì lợi ích mọi
người, vì an lạc mọi người như Phật.
“Chư Hiền, đó là Tám pháp vô
đẳng về Như Lai.”
Khi ấy có vị
Đao-lợi nói:
“Giả sử thế gian được tám Đức
Phật ra đời một lượt, thời sẽ làm tăng nhiều chư
Thiên mà giảm bớt chúng A-tu-la.”
Vị trời khác nói:
“Đừng nói chi tám Đức Phật, dẫu cho có bảy Phật,
sáu Phật đến hai Đức Phật ra đời, cũng làm cho thêm nhiều
chúng chư Thiên mà giảm bớt chúng A-tu-la.”
Thích Đề-hoàn Nhân
liền nói với trời Đao-lợi:
“Ta được nghe từ Phật, trực tiếp lãnh
giáo từ Phật, thì không bao giờ có thể có hai Đức Phật ra
đời một lần. Nhưng nếu một Đức Như Lai mà Ngài ở đời lâu
dài, vì thương mọi người, vì ích lợi cho nhiều người, vì an
lạc cho chư Thiên và nhân loại, thời cũng có thể tăng nhiều
chúng chư Thiên mà giảm bớt chúng A-tu-la vậy.”
Rồi Ban-giá-dực bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, chư
Thiên Đao-lợi sở dĩ tập họp tại Pháp giảng đường, ấy là
để bàn luận, tư duy, thương lượng, xem xét giáo
lệnh được ban ra. Rồi trao cho Tứ thiên vương. Tứ thiên
vương sau khi thọ lãnh, mỗi vị ngồi đúng theo chỗ của mình. Không bao
lâu, có ánh sáng lớn kỳ lạ chiếu sáng bốn phương. Chư Thiên Đao-lợi
nhìn thấy ánh sáng ấy thảy đều kinh sợ: Nay ánh sáng lạ này, sắp có điều
gì quái lạ chăng? Các Đại Thiên thần có oai
đức cũng đều kinh sợ: Nay ánh sáng lạ này, sắp báo điều gì quái
lạ chăng?
“Khi ấy, Đại phạm vương tức thì hóa
làm đồng tử đầu có năm chỏm, đứng giữa hư không, bên
trên đại chúng, gương mặt xinh đẹp vượt hẳn đám đông, thân
màu vàng tía, che mờ ánh sáng chư Thiên. Chư Thiên Đao-lợi
không đứng dậy nghinh đón, cũng không cung kính, không mời ngồi.
Khi Phạm đồng tử ngồi vào chỗ ngồi của vị trời nào thì vị ấy
rất hoan hỷ. Ví như vua Quán đảnh thuộc dòng Sát-lỵ,
khi làm lễ đăng quang, khi ấy vua rất hoan hỷ phấn khởi.
“Ngồi chưa lâu, Đại phạm lại tự biến
thành hình tượng đồng tử đầu có năm chỏm, ngồi giữa hư
không, bên trên đại chúng, như một lực sĩ ngồi trên chỗ
ngồi vững chắc, vòi vọi bất động và làm bài tụng:
“Khi ấy Đồng tử thấy chư
Thiên hoan hỷ lại càng phấn khởi, bèn nói với chư
Thiên Đao-lợi rằng: Các ngươi muốn nghe Một pháp vô đẳng không?
Đao-lợi thiên đáp: Hay lắm, chúng tôi muốn nghe. Đồng
tử nói: Hãy lắng nghe, ta sẽ nói cho.”
Này chư Thiên Đao-lợi! Đức Như
Lai xưa kia, lúc Ngài còn làm Bồ-tát, sanh bất cứ chỗ nào thảy
đều thông minh túc trí.
Này chư Hiền, vào thời quá khứ xa xưa,
có vị vua tên Địa Chủ, vua có một thái tử tên Từ Bi. Đại thần
của vua tên Điển Tôn và con đại thần tên Diệm Man. Thái tử Từ
Bi có bạn và bạn này thường kết giao với sáu vị đại
thần dòng Sát-lỵ khác.
Đại vương Địa chủ mỗi khi muốn vào thâm
cung du hý, đem quốc sự ủy thác lại đại thần Điển Tôn. Rồi
sau đó mới vào cung hát xướng, hoan lạc với ngũ dục.
Đại thần Điển Tôn khi muốn xử lý quốc sự thì
trước đem việc đó hỏi con, sau mới quyết định. Hoặc có phân xử điều gì
cũng nghe theo ý con. Sau bỗng nhiên đại thần Điển Tôn mệnh chung. Vua Địa
Chủ nghe tin, buồn thương thảm thiết, đấm ngực mà than rằng: Quái
thay! Sao vô phúc! Quốc gia mất người lương bật. Thái tử Từ
Bi thầm nghĩ: Vua vì mất Điển Tôn mà sinh ưu khổ. Ta hãy đến can vua, chớ
nên vì cái tang ấy mà buồn khổ. Vì sao? Vì đại thần Điển Tôn hiện
có con tên là Diệm Man còn thông minh túc trí hơn cha. Nay vua
có thể triệu vào để giao xử lý quốc sự.
Rồi thái tử Từ Bi liền đến vua tâu
bày ý kiến. Vua nghe lời, cho triệu Diệm Man đến bảo rằng: Nay ta bổ
sung ngươi vào chức vị của cha ngươi, trao cho ngươi ấn tướng. Diệm Man
lãnh ấn tướng xong, khi vua muốn vào thâm cung thì đem quốc
sự giao cho Diệm Man.
Diệm Man vốn đã biết rõ việc trị lý. Chẳng những những
điều trước kia cha làm Diệm Man biết rõ, mà điều trước kia cha không thể làm
Diệm Man cũng biết rõ. Về sau danh Diệm Man truyền khắp quốc nội,
nên thiên hạ đều tôn xưng là Đại Điển Tôn.
Đại Điển Tôn nghĩ: Nay vua Địa Chủ, tuổi đã già
yếu, sống chẳng bao lâu. Nếu bây giờ thái tử nối ngôi cũng chưa khó
lắm. Có lẽ ta nên đến nói với sáu đại thần Sát-lỵ: Nay vua Địa Chủ,
tuổi đã già yếu, sống chẳng bao lâu. Nếu bây giờ thái tử nối ngôi
cũng chưa khó lắm. Nhưng các ông cũng nên phong riêng vương thổ. Cái ngày ở
ngôi cũng đừng quên nhau vậy.
Thế rồi Đại Điển Tôn đi đến sáu
đại thần Sát-lỵ kia, nói rằng: Này các ông nên biết, nay vua Địa Chủ tuổi
đã già yếu, chẳng còn sống bao lâu, nếu tôn thái tử lên ngôi cũng
không khó lắm. Các ông nên đến tỏ ý này với thái
tử rằng: Chúng tôi với ngài, biết nhau từ nhỏ. Ngài
khổ chúng tôi khổ, ngài vui chúng tôi vui, nay vua đã già
yếu, chẳng còn sống bao lâu, vậy thái tử muốn lên nối ngôi vua không
khó. Giả sử ngài lên ngôi, xin ngài hãy phong đất cho chúng
tôi.
Rồi sáu đại thần Sát-lỵ liền đến tỏ
với thái tử. Thái tử trả lời: Giả sử ta lên ngôi,
chia đất phong quốc, ta còn phong cho ai khác hơn? Không bao lâu, vua băng hà.
Đại thần trong nước đến bái yết thái tử, tôn lên kế vị. Lên
ngôi xong, tân vương thầm nghĩ: Nay lập chức Tể tướng nên chuẩn theo Tiên
vương. Nhưng người nào xứng đáng để cử chức đó? Hẳn phải là Đại
Điển Tôn mới được. Vua Từ Bi liền triệu Đại Điển Tôn
đến bảo: Nay ta cử ngươi lên chức vị Tể tướng và trao ấn tín cho.
Ngươi hãy chuyên cần tổng lý quốc sự. Đại
Điển Tôn vâng lệnh, lãnh ấn.
Mỗi khi vua lui vào cung, thì bao nhiêu quốc
sự đều phó thác cả cho Đại Điển Tôn. Đại Điển Tôn thầm
nghĩ: Ta nay nên đến sáu vị Sát-lỵ để hỏi thử xem họ có nhớ lời trước
kia không. Bèn đi đến nói với sáu đại thần Sát-lỵ: Các ngài có nhớ
lời đã nói khi trước không? Nay thái tử đã lên ngôi vua, ở
kín trong thâm cung, vui thú ngũ dục. Các ngài nay nên đến tâu hỏi vua:
Vua ở ngôi trời, vui thú ngũ dục, vậy còn có nhớ lời nói trước
kia chăng?
Sáu vị Sát-lỵ nghe lời ấy xong liền đến
chỗ vua, tâu: Vua ở ngôi trời, vui thú ngũ dục, vậy còn có nhớ lời
nói trước kia chăng? Rằng: Cắt đất phong ấp, ai xứng đáng ở đó? Vua đáp:
Không quên! Xưa ta có nói, chia đất phong ấp, phi các khanh còn ai được.
Tiếp đó vua thầm nghĩ: Cõi đất Diêm-phù-đề này trong
rộng ngoài hẹp. Người nào có khả năng phân nó làm bảy phần? Rồi lại nghĩ: Hẳn
phải là Đại Điển Tôn mới làm được việc này. Vua liền triệu Đại
Điển Tôn đến nói rằng: Ngươi hãy chia cõi đất Diêm-phù-đề này ra làm bảy
phần. Khi được lệnh, Đại Điển Tôn liền phân bảy phần. Thành, thôn ấp,
quận quốc do vua cai trị thảy làm một phần. Sáu nước Sát-lỵ đại thần là được
chia cho mỗi bộ phận. Vua lấy làm hài lòng nói: Nguyện vọng của ta đã
thỏa. Sáu đại thần Sát-lỵ cũng sung sướng cho nguyện vọng
mình đã thỏa. Công việc này thành được là nhờ Đại Điển Tôn vậy.
Sáu vua dòng Sát-lỵ lại tự nghĩ: Nước ta mới lập, phải
cần có vị phụ tướng. Nhưng biết ai có thể đảm đương được? Nếu có ai
như Đại Điển Tôn, ta sẽ khiến kiêm thông lãnh quốc sự.
Sáu vua Sát-lỵ đều mời Đại Điển Tôn đến bảo:
Nước ta cần phụ tướng. Khanh hãy vì ta kiêm thông, lãnh quốc sự. Cả sáu
nước đều trao tướng ấn cho Đại Điển Tôn. Đại Điển Tôn nhận
tướng ấn xong, sáu vua lui vào hậu cung hưởng thụ dục lạc. Đại
Điển Tôn được giao luôn quốc sự và xử lý luôn công việc cả bảy
nước; thảy đều thành tựu cả.
Đồng thời trong nước có bảy đại cư
sĩ, Đại Điển Tôn cũng xử lý luôn việc nhà giúp họ. Ông lại có
thể dạy bảo cho bảy người Phạm chí đọc tụng kinh điển.
Bảy quốc vương kính xem ông như thần
minh. Bảy đại cư sĩ kính xem ông như Đại vương. Còn
bảy Phạm chí kính xem ông như Phạm thiên. Họ đều thầm nghĩ rằng:
Tể tướng Đại Điển Tôn thường gặp gỡ Phạm thiên, chuyện trò đi
đứng thân thiện với Phạm thiên. Đại Điển Tôn thầm
biết ý tưởng bảy vua, cư sĩ và Phạm chí, rằng: Ta
thường gặp gỡ Phạm thiên, chuyện trò đi đứng thân
thiện với Phạm thiên. Nhưng ta thật chưa từng thấy Phạm thiên,
chưa từng nói chuyện với Phạm thiên. Ta không thể làm thinh để vọng nhận
tiếng khen đó. Ta cũng từng nghe các vị kỳ túc nói: Ai trong bốn tháng mùa
hạ ở nơi nhàn tĩnh tu tập Bốn vô lượng tâm thời trời
Phạm thiên sẽ xuống gặp. Nay ta nên tu Bốn vô lượng tâm để
được Phạm thiên xuống gặp chăng?
Rồi thì, Đại Điển Tôn tìm đến bảy quốc
vương nói rằng: Tâu Đại vương, mong Đại
vương hãy trông nom quốc sự. Tôi muốn vào bốn tháng mùa
hạ tu Bốn vô lượng tâm. Bảy vua nói: Khanh tự biết thời.
Đại Điển Tôn lại đến nói với bảy cư sĩ: Các
ông hãy tự lo công việc của mình. Ta muốn vào bốn tháng mùa hạ, tu
Bốn vô lượng tâm. Các cư sĩ đáp: Vâng. Ngài tự biết thời.
Lại nói với bảy trăm Phạm chí: Các khanh hãy
siêng năng đọc tụng và chỉ bảo lẫn nhau. Ta muốn vào bốn
tháng mùa hạ, tu Bốn vô lượng tâm. Các Phạm chí đáp:
Vâng. Đại sư tự biết thời.
Rồi Đại Điển Tôn ở phía Đông thành ấy dựng
một am thất, vào bốn tháng mùa hạ, nghỉ ở đó mà tu Bốn vô lượng tâm.
Nhưng Phạm thiên vẫn không hiện xuống. Đại Điển Tôn thầm
nghĩ: Ta nghe các bậc túc cựu nói, tu Bốn vô lượng tâm trong bốn
tháng hạ thì sẽ có Phạm thiên hiện xuống, nhưng nay sao lặng
lẽ không thấy dấu tích gì.
Đến ngày rằm trăng tròn, Đại Điển Tôn ra
khỏi tịnh thất, đến chỗ đất trống, ngồi, chưa bao lâu bỗng có ánh sáng lạ
hiện tới. Đại Điển Tôn tự nghĩ: Nay ánh sáng lạ đó là điềm Phạm
thiên hiện xuống chăng?
Ngay khi ấy Phạm thiên hóa làm một đồng
tử đầu có năm chỏm, ngồi giữa không, bên trên chỗ Đại
Điển Tôn. Đại Điển Tôn sau khi thấy bèn nói bài tụng rằng:
Ngươi muốn hỏi gì tùy ý hỏi. Ta sẽ nói cho.
Đại Điển Tôn thầm nghĩ: Ta nên hỏi việc hiện
tại chăng? Hay việc vị lai? Rồi lại tự nghĩ: Việc hiện tại đời
này cần gì nữa hỏi. Ta hãy hỏi việc u minh chưa tỏ. Liền
hướng đến Phạm đồng tử nói bài kệ:
Nếu ngươi hay dũng mãnh,
Chí đó thật tuyệt vời;
Là hành vi bậc trí;
Chết tất sanh Phạm thiên.
Thế rồi Phạm đồng tử bỗng nhiên biến mất.
Bấy giờ, Đại Điển Tôn trở về, đi đến
bảy vua, tâu rằng: Tâu Đại vương, mong ngài đem sức thần mà xử
lý quốc sự. Nay tôi có ý xuất gia, bỏ đời, mặc pháp phục tu
đạo. Vì sao vậy? Tôi thân nghe từ Phạm thiên nói đến sự xú uế mà
lòng rất ghét. Nếu tại gia thì không sao loại trừ được nó.
Bảy quốc vương thầm nghĩ: Bọn Bà-la-môn thường hay tham
tài bảo, có lẽ ta nên mở rộng kho tàng cho ông ta cần
dùng gì tùy ý, để đừng xuất gia. Rồi vời Đại Điển Tôn
đến bảo: Ngươi muốn cần dùng gì ta đều cấp cả, không cần xuất
gia. Đại Điển Tôn tâu đáp: Tôi đã được vua ân tứ rồi. Tôi cũng có
nhiều tài bảo. Nay xin để lại hết dâng Đại vương. Xin cho tôi
được thỏa chí nguyện xuất gia thôi.
Bảy quốc vương lại thầm nghĩ: Những người
Bà-la-môn thường ham mỹ sắc, có lẽ ta đem thể nữ trong cung
cấp cho vừa ý, để khỏi xuất gia. Rồi nói với Đại
Điển Tôn: Nếu cần thể nữ ta cấp hết cho ngươi. Không
cần xuất gia nữa. Đại Điển Tôn đáp: Nay tôi đã được vua ân
tứ rồi. Nhưng trong nhà tôi thể nữ có nhiều nay cho về hết. Tôi chỉ mong
lìa ân ái để xuất gia hành đạo vì tôi thân nghe
Phạm đồng tử nói điều xú uế mà lòng nhàm ghét. Nếu tại
gia thì không sao trừ được.
Rồi Đại Điển Tôn nói bài kệ cho
vua Từ Bi nghe:
Ngươi nên hoãn lại bảy năm để cùng nhau vui
thú ngũ dục. Sau đó chúng ta cùng bỏ nước, giao lại cho con em,
cùng xuất gia. Há không hay hơn sao? Những gì ngươi sở đắc, chúng
ta cũng đồng.
Đại Điển Tôn đáp: “Thế gian vô thường, mạng
người mau chóng, chỉ trong hơi thở còn khó bảo toàn. Nay hoãn đến bảy
năm chẳng quá lâu lắm sao?" Bảy vua nói: “Bảy năm lâu thì sáu, năm... hoặc
một năm cũng được. Chúng ta lưu lại trong tĩnh cung để cùng
chung vui hưởng ngũ dục tuyệt thế. Sau đó chúng
ta cùng bỏ nước, giao lại cho con em, cùng xuất gia. Há không hay hơn
sao? Những gì ngươi sở đắc, chúng ta cũng đồng.
Đại Điển Tôn vẫn đáp: “Thế gian vô thường,
mạng người mau chóng, chỉ trong hơi thở còn khó bảo toàn. Nên dầu cho
một năm vẫn còn lâu; thậm chí bảy tháng, hay một tháng cũng không thể được”.
Bảy vua nói tiếp: “Thôi hoãn bảy ngày”. Đại Điển Tôn đáp: “Bảy ngày
không lâu, có thể hoãn được. Xin Đại vương chớ sai lời. Quá bảy
ngày nếu vua không xuất gia thì tôi xuất gia một mình”.
Rồi Đại Điển Tôn lại đến bảy cư sĩ, bảo
họ: Mỗi người hãy tự lo lấy công việc của mình. Tôi muốn xuất gia, tu
đạo vô vi. Vì sao vậy? Ta thân nghe từ Phạm thiên, nói đến sự xú
uế mà lòng rất ghét. Nếu tại gia thì không sao dứt trừ được.”
Bảy cư sĩ đáp Đại Điển Tôn: “Lành
thay, chí hướng ấy. Hãy làm những gì thích hợp. Chúng
tôi cũng muốn cùng xuất gia theo. Những gì ông sở
đắc, chúng tôi cũng nên đồng.”
Đại Điển Tôn lại đến nói với bảy trăm Phạm
chí:
Các ngươi hãy siêng năng phúng tụng, tìm
rộng đạo nghĩa, rồi dạy bảo lẫn nhau. Ta muốn xuất
gia tu đạo vô vi. Vì sao? Ta thân nghe từ Phạm thiên nói
đến xú uế mà lòng rất ghét. Nếu tại gia thì không thể dứt
trừ được.”
Bấy giờ bảy trăm Phạm chí nói với Đại
Điển Tôn:
-Đại sư, chớ xuất gia. Sống gia
đình thì an vui, hưởng thụ ngũ dục, có nhiều người hầu hạ, tâm
không ưu khổ. Người xuất gia sống một mình ở
chỗ hoang vắng; muốn gì đều không có, chẳng ham lấy được gì.”
Đại Điển Tôn đáp: “Nếu ta cho tại
gia là vui, xuất gia là khổ, hẳn ta không xuất gia. Nhưng
ta đã cho tại gia là khổ, xuất gia là vui, nên ta xuất
gia”.
Các Phạm chí nói: “Đại sư xuất
gia, chúng tôi cũng xuất gia. Đại sư làm
gì, chúng tôi làm theo cả”.
Đại Điển Tôn lại đến nói với các bà vợ: “Nay các
ngươi được tùy nghi. Ai muốn ở thì ở. Ai muốn về thì về. Nay ta
muốn xuất gia cầu đạo vô vi." Rồi kể hết sự việc như trên
và nói rõ ý muốn xuất gia. Các phu nhân đáp: “Đại Điển Tôn
nếu còn ở nhà, thì vừa là chồng cũng vừa như cha chúng tôi. Nay
nếu xuất gia, chúng tôi sẽ xin đi theo. Việc gì Đại
Điển Tôn làm, chúng tôi cũng sẽ làm”.
Sau bảy ngày, Đại Điển Tôn cạo bỏ râu tóc,
mặc ba pháp y, bỏ nhà mà đi. Đồng thời, bảy quốc
vương, bảy cư sĩ, bảy trăm Phạm chí, bốn mươi phu nhân,
cũng lần lượt xuất gia. Lần hồi lên tới tám vạn bốn ngàn
người, đồng thời theo Đại Điển Tôn xuất gia. Đại
Điển Tôn thường cùng đại chúng dạo qua các nước, hóa
độ rộng rãi, đem lại ích lợi cho nhiều người.
Bấy giờ Phạm vương bảo với Thiên chúng:
“Các ngươi chớ nghĩ đại thần Điển Tôn lúc đó là ai đâu khác. Chính là tiền
thân của Đức Phật Thích-ca hiện nay vậy. Thế
Tôn vào lúc ấy, sau bảy ngày, xuất gia tu đạo, dẫn
các đại chúng du hành các nước, hóa độ rộng rãi,
làm lợi ích cho nhiều người. Nếu có nghi lời ta nói, các ngươi hãy
đến Đức Thế Tôn hiện ngự tại núi Kỳ-xà-quật để hỏi. Như những gì Phật
dạy, hãy gắng nhớ lấy”.
Nhạc thần Ban-giá-dực bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn! Vì duyên cớ đó nên hôm nay
con đến đây. Bạch Thế Tôn, Đại Điển Tôn kia chính là Thế
Tôn đó phải không? Thế Tôn qua bảy ngày thì xuất
gia tu đạo; cùng với bảy quốc vương, cho đến tám vạn bốn
ngàn người đồng thời xuất gia, cùng chúng du hành các
nước, giáo hóa rộng rãi, làm lợi ích cho nhiều người phải
không?”
Phật đáp
Ban-giá-dực:
“Đại Điển Tôn lúc đó là ai khác chăng? Chớ nghĩ như
vậy. Chính là thân Ta đó. Lúc bấy giờ, gái trai cả nước mỗi khi đi lại, cử
động, có điều gì nguy khốn, họ liền cất tiếng niệm: Nam
mô Đại Điển Tôn, vị Tể tướng của bảy vua. Nam mô Đại
Điển Tôn, vị Tể tướng của bảy vua. Niệm đến ba lần như vậy.
“Này Ban-giá-dực! Đại Điển Tôn lúc đó tuy
có oai đức lớn, nhưng không thể vì đệ tử giảng nói
đạo cứu cánh, không thể khiến đệ tử được cứu cánh phạm
hạnh, không thể khiến đến được chỗ cứu cánh an lạc. Pháp của Đại
Điển Tôn nói ra, nếu đệ tử nào thực hành thì khi thân
hoại mệnh chung chỉ được sanh lên cõi Phạm thiên. Người
nào thực hành cạn hơn thì sanh lên cõi trời Tha hóa tự tại.
Thứ nữa sanh Hóa tự tại, Đâu-suất-đà, Diệm-ma, Đao-lợi, Tứ thiên
vương, hoặc Sát- lỵ, Bà-la-môn, Cư sĩ tại gia. Muốn gì cũng
được vừa ý.
“Này Ban-giá-dực! Đệ tử của Đại
Điển Tôn đều là kẻ xuất gia không phải ngu si. Có quả
báo, có giáo giới, nhưng chưa phải là đạo cứu cánh, chẳng khiến đệ
tử chứng được cứu cánh phạm hạnh, chẳng đưa đệ tử đến
chỗ an ổn hoàn toàn. Chỗ cao tột của đạo kia chỉ đến cõi Phạm
thiên là cùng. Còn nay giáo pháp của ta dạy cho đệ
tử có thể khiến họ chóng được đạo cứu cánh, được cứu
cánh phạm hạnh, cứu cánh an ổn và cuối cùng thì
vào Niết-bàn. Pháp của ta nói, nếu đệ tử nào thực hành thì
xả bỏ hữu lậu mà thành vô lậu, ngay trong đời này mà
tự mình chứng ngộ tâm giải thoát, tuệ giải thoát, sanh
tử đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không
còn tái sinh nữa. Người nào thực hành cạn hơn thì đoạn được
năm kết sử hạ giới và có thể nhập Niết-bàn
tại thiên giới, chứ không trở lại cõi này. Thứ nữa thì đoạn
ba kiết sử, dâm, nộ, si mỏng, chỉ phải một lần sanh vào cõi này
nữa là sẽ nhập Niết-bàn. Và thứ nữa thì đoạn được ba kiết sử, chứng
quả Tu-đà-hoàn, không còn bị đọa vào ác đạo, nhiều lắm là bảy lần
sanh đến cõi này nữa là chắc chắn được Niết-bàn.
“Này Ban-giá-dực! Các đệ tử Ta xuất
gia không phải ngu si, có quả báo, có giáo giới, được cứu
cánh đạo pháp, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh an
ổn và cuối cùng vào Niết-bàn.”
Ban-giá-dực nghe
Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
COMMENTS